ĐẶT HÀNG RÀO BẪY ĐIỆN TRANG TRẠI VÔ TÌNH LÀM CHẾT NGƯỜI CÓ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ KHÔNG?
*Bạn đọc hỏi: Anh Nguyễn Thành T hỏi: Nhà tôi hiện có một trang trại nuôi gia súc, gia cầm số lượng lớn. Trong quá trình chăn nuôi, tôi có sử dụng hàng rào bằng lưới điện xung quanh trang trại của mình nhằm mục đích phòng chống trộm cắp và bẫy chuột để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Vậy cho tôi hỏi, nếu vô tình có ai đó chạm vào hàng rào bẫy điện dẫn đến chết người thì tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không và nếu có thì sẽ bị xử lý hình sự về tội danh gì?
Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Phong & Partners. Sau khi tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan, chúng tôi có những trao đổi sau về vấn đề pháp lý của anh như sau:
1. Sử dụng điện chống trộm cắp; bẫy chuột để bảo vệ gia súc, gia cầm là hành vi bị nghiêm cấm
a. Cơ sở pháp lý
Luật Điện lực 2004
Điều 59. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp
"1. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ và phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết.
2. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp chỉ được thực hiện khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
3. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, có biển báo nguy hiểm, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện.”
Điều 7. Các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện
"7. Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 của Luật này.”
b. Phân tích
Theo quy định trên, việc anh T sử dụng điện để chống trộm cắp, bẫy chuột để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép là hành vi bị nghiêm cấm.
2. Đặt hàng rào bẫy điện vô tình làm chết người có bị xử lý hình sự?
a. Cơ sở pháp lý
- Khoản 2 Mục I Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ
“12. Đề nghị hướng dẫn đối với các trường hợp sử dụng điện trái phép làm chết người thì xét xử về tội gì?
Để xét xử đúng tội cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Về nguyên tắc chung, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:
a. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người.
b. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:
+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xẩy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.
+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người.”
- Bộ luật Hình sự năm 2015
Điều 123. Tội giết người
“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”
Điều 128. Tội cố ý làm chết người
“1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.”
b. Phân tích và kết luận
Theo thông tin anh T trình bày, đối chiếu quy định pháp luật, việc anh T đặt hàng rào bằng lưới điện để chống trộm cắp và bẫy chuột nhưng chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không may ai đó chạm vào hàng rào và dẫn đến chết người, việc kết luận chính xác tội danh phụ thuộc vào chứng cứ vụ án và kết luận điều tra của cơ quan điều tra trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên về nguyên tắc chung, anh sẽ bị xử lý hình sự và có thể đối diện với các tội danh sau:
- Trường hợp 1: Nếu anh đặt hàng rào điện để chống trộm cắp mà làm chết người thì sẽ bị xử lý hình sự về Tội giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, mức phạt tù là từ 07 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
- Trường hợp 2: Nếu anh đặt hàng rào bẫy điện để diệt chuột, sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
- Nếu anh đặt hàng rào bẫy điện để diệt chuột, mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng vẫn mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết thì anh sẽ bị xử lý hình sự về Tội giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, mức phạt tù là từ 07 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
- Nếu anh đặt hàng rào bẫy điện để diệt chuột, mắc điện ở nơi ít người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo hiệu nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra nhưng hậu quả có người bị điện giật chết thì anh sẽ bị xử lý hình sự về Tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015, mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù đến 10 năm.
Trên đây là thông tin tư vấn của Phong & Partners liên quan đến vấn đề pháp lý của Quý khách dựa trên cơ sở tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan. Nếu cần hiểu rõ và cụ thể hơn, quý khách có thể gửi email, điện thoại hoặc đến văn phòng để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ luật sư của Phong & Partners.
Bài Viết Nhiều Người Xem
Tin tức liên quan
PHẢI LÀM GÌ KHI ĐỐI TÁC LÀM GIẢ GIẤY TỜ ĐỂ GIAO DỊCH?
*Bạn đọc hỏi: anh Nhật Tân - Giám đốc Công ty DB hỏi: Ngày 2/4/2024, Công ty tôi ký kết hợp đồng mua bán với Công ty CA, trong đó, Công ty CA là bên bán hàng và xuất hóa đơn GTGT cho Công ty tôi. Đến nay, Công ty tôi vẫn chưa nhận hàng nên cũng chưa thanh toán giá trị các đơn hàng theo hóa đơn GTGT. Dù vậy, ngày 15/5/2024, Công ty tôi đã thanh toán các chi phí phát sinh hơn 100 triệu đồng qua tài khoản cá nhân của Giám đốc Công ty CA. Sau đó, chúng tôi phát hiện Công ty CA làm giả hồ sơ giấy tờ, bao gồm hóa đơn GTGT và giấy phép khai thác khoáng sản để giao dịch với Công ty tôi. Bây giờ, Công ty tôi muốn lấy lại số tiền chi phí phát sinh hơn 100 triệu đồng kia thì phải làm thế nào?
LỪA DỐI ĐỂ VAY TIỀN VÀ KHÔNG TRẢ NỢ ĐẾN HẠN DÙ CÓ KHẢ NĂNG CHI TRẢ, CÓ BỊ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ KHÔNG?
*Bạn đọc hỏi: chị H.L., trú tại TP Đà Nẵng, hỏi: Trong quá trình kinh doanh, vợ chồng tôi có quen biết vợ chồng ông H. và bà P. trú tại tỉnh Đắk Lắk. Năm 2020, vợ chồng ông H. ngỏ ý vay tiền từ vợ chồng tôi và còn tự giới thiệu là con nuôi của một lãnh đạo cấp cao tỉnh Đắk Lắk để tạo niềm tin cho khoản vay nhưng sau này tôi biết được rằng thông tin này không đúng sự thật. Vì tin nên vợ chồng tôi đã đi vay ngân hàng 26 tỷ đồng để cho vợ chồng ông H. vay. Sau khi vay, vợ chồng ông H. dùng 11 tỷ đồng mua nhà ở Đà Nẵng và hứa sau khi bán nhà ở Đắk Lắk sẽ trả nợ; 15 tỷ đồng còn lại dùng để trả bớt nợ ngân hàng. Đồng thời, để củng cố niềm tin cho vợ chồng tôi, ông H. còn hứa với tư cách giám đốc 1 công ty xây dựng sẽ dùng nguồn tiền từ các công trình đang thi công của công ty này để trả nợ, hạn trả nợ chậm nhất là đến ngày 11-12-2022. Nhưng sau khi đã bán nhà ở Đắk Lắk, vợ chồng ông H. vẫn không chịu trả nợ cho tôi. Mãi đến cuối năm 2021, vợ chồng ông H. bán nhà ở Đà Nẵng mới trả cho chúng tôi số tiền 11 tỷ đồng. Số tiền 15 tỷ đồng còn lại, mặc dù vẫn còn nhiều tài sản nhưng vợ chồng ông H. vẫn không chịu trả nợ cho chúng tôi, liên tục hứa hẹn, câu kéo thời gian. Theo tôi được biết, công ty xây dựng của ông H. thực chất là công ty gia đình của ông với thành viên góp vốn là ông và con trai ruột của ông. Công ty này đã trúng nhiều gói thầu xây dựng lớn của tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh, thành khác, có nguồn thu thường xuyên từ hoạt động xây dựng nhưng cho đến nay vợ chồng ông H. vẫn tiếp tục chây ỳ, không có ý định hay dấu hiệu nào sẽ trả nợ cho vợ chồng tôi. Cho tôi hỏi vợ chồng ông H. có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa dối, lấy lòng tin để vay tiền và hành vi không chịu trả nợ đã đến hạn dù vẫn có khả năng chi trả không?
CHƯA ĐĂNG KÝ KẾT HÔN CÓ ĐƯỢC GẶP CHỒNG ĐANG BỊ TẠM GIAM KHÔNG?
Tôi và chồng tôi vừa mới tổ chức lễ kết hôn nhưng chưa kịp đăng ký kết hôn thì chồng tôi bị Công an tạm giam. Khi tôi đến xin gặp thì cán bộ Công an không cho vì tôi không phải là người thân. Tôi muốn hỏi rằng, trong trường hợp của tôi thì tôi có được gặp người chồng đang bị tam giam không?