ĐÒI NỢ TRÊN MẠNG XÃ HỘI CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT HAY KHÔNG? NẾU CÓ THÌ BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?
*Bạn đọc hỏi: Anh Giang đến từ Bình Định hỏi: “Tôi mượn bạn 6 triệu đồng, có hứa 4 tháng sau sẽ trả, nhưng đến hẹn vì khó khăn nên tôi xin khất. Bạn ấy không chịu và đăng bài lên Facebook với nội dung là tôi lừa đảo và nói số nợ của tôi lên 10 triệu không đúng với số tiền tôi mượn ban đầu. Tôi cảm thấy bị xúc phạm và yêu cầu bạn gỡ bài nhưng bạn không chịu. Cho hỏi, bạn tôi làm như vậy có vi phạm pháp luật không?
Nội dung tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Phong & Partners, với vấn đề pháp lý của bạn, Phong & Partners có những trao đổi như sau.
I. Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS)
Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
“1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
- Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS)
Điều 155. Tội làm nhục người khác
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.
Điều 156. Tội vu khống
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.
- Nghị định 72/2013/NĐ-CP
Điều 5: Các hành vi bị cấm
“1.Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:
d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân
Điều 26: Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội
“4. Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập”.
- Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP)
Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
...
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này”.
II. Phân tích, đánh giá
1. Hành vi đòi nợ trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?
- Theo Khoản 4 Điều 26 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội. Đồng thời theo Điểm b Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP, đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân là một trong những hành vi bị cấm trên mạng xã hội. Do đó, người sử dụng mạng không được lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi mà pháp luật nghiêm cấm.
- Theo thông tin Anh cung cấp thì người này đã đăng nội dung đòi nợ với lời lẽ xúc phạm, đưa thông tin không chính xác về số nợ, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và nhân phẩm của Anh là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Như vậy, đối với việc đăng bài đòi nợ trên mạng xã hội thì pháp luật hiện nay xem đó là một trong những biện pháp để đòi nợ, do đó, không cấm và không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp trên, bạn Anh đăng bài đòi nợ mà có kèm theo thông tin không chính xác về khoản nợ với lời lẽ xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của Anh thì đây được xác định là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Hành vi xúc phạm người khác trên mạng xã hội bị chịu những chế tài nào?
Thứ nhất trách nhiệm dân sự
- Đối với hành vi đăng bài với lời lẽ xúc phạm, cung cấp thông tin không chính xác về khoản nợ gây ảnh hưởng đến danh dự uy tín của Anh, bạn Anh sẽ phải bồi thường thiệt hại theo Điều 584 BLDS khi có yêu cầu.
- Mức bồi thường thiệt hại cho Anh bao gồm các khoản: chi phí hợp lý để hạn chế, khác phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; các thiệt hại khác.
- Ngoài ra, bạn Anh phải chịu trách nhiệm bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần, mức bồi thường do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Thứ hai, trách nhiệm hành chính
- Bên cạnh trách nhiệm dân sự, hành vi trên có thể bị xử phạm hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng và buộc gỡ bỏ thông tin đã đăng tải theo Điểm a Khoản 1 và Khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Thứ ba, trách nhiệm hình sự
- Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì người có hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc viễn thông, phương tiện điện tử để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điểm e Khoản 2 Điều 155 BLHS về Tội làm nhục người khác với khung hình phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm và theo Điểm e Khoản 2 Điều 156 BLHS về Tội vu khống với khung hình phạt từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy, người có hành vi đăng bài xúc phạm, cung cấp thông tin không chính xác gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của Anh thì có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phong & Partners về vấn đề pháp lý của bạn. Nếu bạn còn vướng mắc, vui lòng liên hệ qua thông tin dưới đây hoặc đến trực tiếp văn phòng để được tư vấn bởi đội ngũ luật sư chuyên nghiệp.
Bài Viết Nhiều Người Xem
Tin tức liên quan
PHẢI LÀM GÌ KHI ĐỐI TÁC LÀM GIẢ GIẤY TỜ ĐỂ GIAO DỊCH?
*Bạn đọc hỏi: anh Nhật Tân - Giám đốc Công ty DB hỏi: Ngày 2/4/2024, Công ty tôi ký kết hợp đồng mua bán với Công ty CA, trong đó, Công ty CA là bên bán hàng và xuất hóa đơn GTGT cho Công ty tôi. Đến nay, Công ty tôi vẫn chưa nhận hàng nên cũng chưa thanh toán giá trị các đơn hàng theo hóa đơn GTGT. Dù vậy, ngày 15/5/2024, Công ty tôi đã thanh toán các chi phí phát sinh hơn 100 triệu đồng qua tài khoản cá nhân của Giám đốc Công ty CA. Sau đó, chúng tôi phát hiện Công ty CA làm giả hồ sơ giấy tờ, bao gồm hóa đơn GTGT và giấy phép khai thác khoáng sản để giao dịch với Công ty tôi. Bây giờ, Công ty tôi muốn lấy lại số tiền chi phí phát sinh hơn 100 triệu đồng kia thì phải làm thế nào?
LỪA DỐI ĐỂ VAY TIỀN VÀ KHÔNG TRẢ NỢ ĐẾN HẠN DÙ CÓ KHẢ NĂNG CHI TRẢ, CÓ BỊ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ KHÔNG?
*Bạn đọc hỏi: chị H.L., trú tại TP Đà Nẵng, hỏi: Trong quá trình kinh doanh, vợ chồng tôi có quen biết vợ chồng ông H. và bà P. trú tại tỉnh Đắk Lắk. Năm 2020, vợ chồng ông H. ngỏ ý vay tiền từ vợ chồng tôi và còn tự giới thiệu là con nuôi của một lãnh đạo cấp cao tỉnh Đắk Lắk để tạo niềm tin cho khoản vay nhưng sau này tôi biết được rằng thông tin này không đúng sự thật. Vì tin nên vợ chồng tôi đã đi vay ngân hàng 26 tỷ đồng để cho vợ chồng ông H. vay. Sau khi vay, vợ chồng ông H. dùng 11 tỷ đồng mua nhà ở Đà Nẵng và hứa sau khi bán nhà ở Đắk Lắk sẽ trả nợ; 15 tỷ đồng còn lại dùng để trả bớt nợ ngân hàng. Đồng thời, để củng cố niềm tin cho vợ chồng tôi, ông H. còn hứa với tư cách giám đốc 1 công ty xây dựng sẽ dùng nguồn tiền từ các công trình đang thi công của công ty này để trả nợ, hạn trả nợ chậm nhất là đến ngày 11-12-2022. Nhưng sau khi đã bán nhà ở Đắk Lắk, vợ chồng ông H. vẫn không chịu trả nợ cho tôi. Mãi đến cuối năm 2021, vợ chồng ông H. bán nhà ở Đà Nẵng mới trả cho chúng tôi số tiền 11 tỷ đồng. Số tiền 15 tỷ đồng còn lại, mặc dù vẫn còn nhiều tài sản nhưng vợ chồng ông H. vẫn không chịu trả nợ cho chúng tôi, liên tục hứa hẹn, câu kéo thời gian. Theo tôi được biết, công ty xây dựng của ông H. thực chất là công ty gia đình của ông với thành viên góp vốn là ông và con trai ruột của ông. Công ty này đã trúng nhiều gói thầu xây dựng lớn của tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh, thành khác, có nguồn thu thường xuyên từ hoạt động xây dựng nhưng cho đến nay vợ chồng ông H. vẫn tiếp tục chây ỳ, không có ý định hay dấu hiệu nào sẽ trả nợ cho vợ chồng tôi. Cho tôi hỏi vợ chồng ông H. có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa dối, lấy lòng tin để vay tiền và hành vi không chịu trả nợ đã đến hạn dù vẫn có khả năng chi trả không?
CHƯA ĐĂNG KÝ KẾT HÔN CÓ ĐƯỢC GẶP CHỒNG ĐANG BỊ TẠM GIAM KHÔNG?
Tôi và chồng tôi vừa mới tổ chức lễ kết hôn nhưng chưa kịp đăng ký kết hôn thì chồng tôi bị Công an tạm giam. Khi tôi đến xin gặp thì cán bộ Công an không cho vì tôi không phải là người thân. Tôi muốn hỏi rằng, trong trường hợp của tôi thì tôi có được gặp người chồng đang bị tam giam không?