
QUYỀN CỦA NGƯỜI BỊ TỐ GIÁC, NGƯỜI BỊ KIẾN NGHỊ KHỞI TỐ
Người bị tố giác và người bị kiến nghị khởi tố là những người tham gia tố tụng được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa quyền lợi của những đối tượng này nhằm đảm bảo quyền con người và hạn chế tối đa các trường hợp oan sai. Vậy, những quyền này được quy định cụ thể ra sao và có ý nghĩa như thế nào đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề này.
1. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là ai?
Hiện nay, pháp luật hình sự hiện hành chưa có quy định giải thích về đối tượng người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, trên thực tiễn tố tụng, người bị tố giác là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị tố cáo bằng lời nói hoặc văn bản với cơ quan có thẩm quyền về việc thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, người bị kiến nghị khởi tố là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản (kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan) gửi đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
2. Quyền của người bị tố giác và người bị kiến nghị khởi tố
Trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, việc bảo vệ quyền lợi của người bị tố giác và người bị kiến nghị khởi tố là yếu tố then chốt để đảm bảo tính công bằng, minh bạch của hoạt động tố tụng. Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã quy định về quyền của hai chủ thể này trong quá trình tố tụng như sau:
“Điều 57. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố
a) Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;
b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;
d) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
đ) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
e) Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
g) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;
h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.”
Như vậy, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã đảm bảo được một số quyền quan trọng của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, đồng thời thông qua việc thực hiện các quyền này, pháp luật hình sự cũng có cơ chế đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong hoạt động tố tụng. Những quyền này không chỉ giúp cá nhân, tổ chức chủ động bảo vệ mình trước các cáo buộc ban đầu mà còn hạn chế nguy cơ oan sai không đáng có.
3. Quyền mời luật sư của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố
Căn cứ điểm e, Khoản 1, Điều 57 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về quyền của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố: “e) Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình”.
Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền được tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Điều 8, Thông tư 46/TT-BCA giải thích quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là: “Trong lần đầu tiên lấy lời khai bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích quyền, nghĩa vụ của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và hỏi họ xem có nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hay không, phải ghi ý kiến của họ vào biên bản. Trường hợp họ nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra hướng dẫn họ viết đơn nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Trường hợp họ không nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra giải thích quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được thực hiện trong suốt quá trình tiến hành tố tụng.”
Theo pháp luật Việt Nam, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Thời điểm Luật sư được tham gia vào quá trình tố tụng được xác định rõ tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 46/2019/TT-BCA như sau:
“Điều 7. Thời điểm người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tham gia tố tụng
1. Thời điểm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tham gia tố tụng kể từ khi có Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.”
Căn cứ Điều 9 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, trong thời hạn 03 ngày kể từ khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan điều tra phải trực tiếp tổ chức, chỉ đạo và phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra thụ lý, giải quyết vụ việc. Theo đó, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền mời Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình ngay từ giai đoạn cơ quan Công an tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Mặc dù pháp luật quy định cán bộ điều tra có trách nhiệm giải thích quyền được nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố trong buổi làm việc đầu tiên, nhưng trên thực tế, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố hoàn toàn có thể chủ động thực hiện quyền này ngay khi nhận được Thông báo hoặc Giấy mời làm việc của cơ quan điều tra liên quan đến đơn tố giác hoặc kiến nghị khởi tố.