NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN CỦA CHA MẸ THEO ĐIỀU 69 LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2014

1. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ theo Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là gì?

Điều luật này quy định một số nghĩa vụ và quyền nhân thân của cha mẹ đối với con trong các việc thương yêu, chăm lo, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc con. Điều luật còn quy định nghĩa vụ phải giám hộ hoặc đại diện cho con chưa thành niên, con chưa thành niên mất năng lực hành vi dân sự và quy định cha mẹ không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới tính hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ, không được lạm dụng sức lao động của con và không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

2. Nội dung nghĩa vụ và quyền của cha mẹ theo Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ

1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

3. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ theo được hiểu thế nào cho đúng?

Trong phạm vi nghĩa vụ và quyền nhân thân của cha mẹ đối với con có thể chia ra làm các nhóm chính:

Thứ nhất, nhóm nghĩa vụ và quyền của cha mẹ trong việc yêu thương, trông nom, chăm sóc con, được quy định tại Điều 69, 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Việc yêu thương, trông nom, chăm sóc con vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của cha mẹ. Quyền và nghĩa vụ này là đương nhiên đối với cha mẹ và cha mẹ được ưu tiên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ này, tuy nhiên việc thực hiện quyền và nghĩa vụ này của cha mẹ phải tính đến các yếu tố lợi ích của chính bản thân người con, phải tôn trọng ý kiến của con chứ không thể thực hiện tùy tiện. Sự trông nom, chăm sóc của cha mẹ đối với con được hiểu là sự trông nom, chăm sóc toàn diện cuộc sống của người con chưa thành niên, cụ thể như: trông nom, chăm sóc sức khỏe cũng như sự phát triển về thể chất, trí tuệ và tình cảm của con.

Thứ hai, nhóm nghĩa vụ và quyền của cha mẹ trong việc giáo dục con, chăm lo, tạo điều kiện cho con học tập, được quy định tại Điều 69, 72 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Luật Trẻ em năm 2016 tại Điều 16 có quy định trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện. Cha mẹ là người đầu tiên và cũng là người có trách nhiệm chính, có ảnh hưởng lớn trong việc giáo dục con chưa thành niên của mình. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tại khoản 1 Điều 69 có nêu lên mục đích của việc giáo dục con là để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

Thứ ba, nhóm nghĩa vụ và quyền về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con. Đối với con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ phải giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự. Bên cạnh đó, cha mẹ không được phép phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Nguồn: Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Hồng Đức.

4. Các điều khoản và văn bản hướng dẫn Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

4.1. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Điều 72. Nghĩa vụ và quyền giáo dục con

1. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.

Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con.

2. Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con.

3. Cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được.

Điều 73. Đại diện cho con

1. Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.

2. Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.

4. Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Điều khoản liên quan đến Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

5.1. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Điều 76. Quản lý tài sản riêng của con

1. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

3. Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

4. Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.

Điều 77. Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự

1. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

2. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

3. Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện.

Điều 78. Quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi

1. Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật nuôi con nuôi.

Trong trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Tòa án thì quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Quyền, nghĩa vụ của cha đẻ, mẹ đẻ và con đã làm con nuôi của người khác được thực hiện theo quy định của Luật nuôi con nuôi.

3. Quyền, nghĩa vụ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ được khôi phục kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt. Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ không còn hoặc không có đủ điều kiện để nuôi con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi và chỉ định người giám hộ cho con theo quy định của Bộ luật dân sự.

Điều 79. Quyền, nghĩa vụ của cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng

1. Cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình theo quy định tại các điều 69, 71 và 72 của Luật này.

2. Con riêng có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha dượng, mẹ kế cùng sống chung với mình theo quy định tại Điều 70 và Điều 71 của Luật này.

5.2. Bộ luật Dân sự năm 2015

Điều 21. Người chưa thành niên

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:

3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân

1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

6. Bài viết liên quan

6.1. XÁC ĐỊNH TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG ĐỂ CHIA KHI LY HÔN

https://phong-partners.com/hoi-dap/hon-nhan-gia-dinh/xac-dinh-tai-san-chung-cua-vo-chong-de-chia-khi-ly-hon-1116.html

6.2. ĐẤT ĐƯỢC MUA TỪ TIỀN TẶNG CHO RIÊNG CÓ PHẢI LÀ TÀI SẢN CHUNG VỢ CHỒNG KHÔNG?

https://phong-partners.com/dat-duoc-mua-tu-tien-tang-cho-rieng-co-phai-la-tai-san-chung-vo-chong-khong

6.3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ BÁN TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG SAU KHI CHỒNG MẤT?

https://phong-partners.com/lam-the-nao-de-ban-tai-san-chung-cua-vo-chong-sau-khi-chong-mat

 

Luật sư Phan Thụy Khanh

Hoàng Lâm

Tin tức liên quan

Zalo