QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ 01/2019/HNGĐ-GĐT: QUYỀN TRỰC TIẾP NUÔI CON DƯỚI 36 THÁNG TUỔI KHI LY HÔN
Quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn luôn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu, đặc biệt khi con còn nhỏ. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, con dưới 36 tháng tuổi thường được ưu tiên giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể xem xét để đưa ra phán quyết khác. Quyết định Giám đốc thẩm số 01/2019/HNGĐ-GĐT ngày 27/2/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng là một ví dụ điển hình về vấn đề này.
1. Tóm tắt vụ án
Chị Phạm Thị Kiều K và anh Nguyễn Hữu P đăng ký kết hôn ngày 27/7/2016 trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, sau khi kết hôn một thời gian, thì vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân do tính tình không hợp, thường xuyên bất đồng quan điểm trong cuộc sống, do đó chị K bỏ về nhà bố mẹ đẻ sống từ khoảng tháng 3/2017. Xét thấy mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng, cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được nên chị Phạm Thị Kiều K và anh Nguyễn Hữu P thuận tình ly hôn.
- Về con chung: Anh, chị xác nhận có 01 con chung là cháu Nguyễn Đắc T, sinh ngày 30/11/2016 (tức 27 tháng tuổi tính đến ngày mở phiên họp Giám đốc thẩm). Khi cháu T được 04 tháng tuổi, chị K bỏ về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, để lại cháu T cho anh P nuôi dưỡng. Tại thời điểm ly hôn, cả hai cùng đề nghị xin được nuôi con chung.
- Về tài sản chung: Vợ chồng cùng xác nhận không có tài sản chung và không có nợ chung nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tại bản án sơ thẩm số 02/2018/HNGĐ-ST ngày 05/3/2018, Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk quyết định quyền trực tiếp nuôi con thuộc về anh P. Tuy nhiên, sau khi chị K có đơn kháng cáo, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên sửa bản án sơ thẩm và quyết định quyền trực tiếp nuôi con thuộc về chị K, theo nội dung Bản án phúc thẩm Hôn nhân và gia đình số 11/2018/HNGĐ-PT ngày 07/6/2018.
Không đồng ý với bản án phúc thẩm, anh P có đơn yêu cầu xem xét giám đốc thẩm và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Theo đó, cả hai đều yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm.
2. Nội dung tranh chấp
Nội dung tranh chấp chính trong vụ án là về việc xác định quyền trực tiếp nuôi dưỡng cháu T, con chung dưới 36 tháng tuổi. Cả Nguyên đơn và Bị đơn đều cho rằng mình có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con. Liên quan đến vấn đề này, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm có những quan điểm khác nhau, dẫn đến việc vụ án được đưa lên cấp Giám đốc thẩm để xem xét lại.
3. Nhận định của Tòa án về tranh chấp nuôi con
Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 01/2019/HNGĐ-GĐT ngày 27/02/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm và xác định quyền trực tiếp nuôi con cuối cùng thuộc về anh P. Cụ thể, Tòa án nhận định:
[3] Về nội dung: Về việc nuôi con chung: Quá trình giải quyết vụ án chị Phạm Thị Kiều K và anh Nguyễn Hữu P đều có nguyện vọng xin được nuôi cháu Nguyễn Đắc T, sinh ngày 30/11/2016. Khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”. Trong vụ án này, chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, chị Phạm Thị Kiều K tự ý về nhà bố mẹ đẻ sinh sống, bỏ lại cháu T mới được 04 tháng tuổi cho anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng. Tại các Biên bản xác minh cùng ngày 23/01/2018 (bút lục số 19, 20, 24), Ban tự quản thôn và Chi hội phụ nữ thôn H, xã E, huyện K xác nhận: “Anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Nguyễn Đắc T rất tốt. Anh P có việc làm tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ N, thu nhập ổn định, hoàn toàn đủ điều kiện để nuôi cháu T”. Mặc dù, khoản 3 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Con dưới 36 tháng tuổi phải giao cho mẹ trực tiếp nuôi...”, nhưng chị K đã không nuôi cháu T từ khi cháu được 04 tháng tuổi. Hiện tại, cháu T đã quen với điều kiện, môi trường sống và được anh P nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo trong điều kiện tốt nhất; nếu giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét một cách toàn diện, tiếp tục giao cháu T cho anh P trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc là có căn cứ. Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng là không phù hợp, chưa xem xét đầy đủ đến quyền và lợi ích hợp pháp về mọi mặt của cháu T.
Nội dung này cũng đã trở thành nguồn của án lệ số 54/2022/AL, được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố ngày 14/02/2022 theo Quyết định số 323/QĐ-CA nhằm mục đích hướng dẫn cho những trường hợp tương tự.
4. Bài học pháp lý rút ra từ vụ án
Vụ án này đặt ra vấn đề pháp lý quan trọng về việc ai có quyền trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tại Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
Từ quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cùng với thực tiễn xét xử trong vụ án giữa chị K và anh P, có thể rút ra một số bài học pháp lý quan trọng trong tranh chấp quyền trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi như sau:
Thứ nhất, quyền trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi không đương nhiên thuộc về mẹ.
Tuy con chung dưới 36 tháng tuổi thường được ưu tiên giao cho người mẹ trực tiếp nuôi nhưng người cha vẫn được quyền nuôi con trong một số trường hợp nhất định. Một là, cha và mẹ cùng thỏa thuận cha là người trực tiếp nuôi con và thỏa thuận này phù hợp với lợi ích của con, đồng thời không trái pháp luật, không trái đạo đức, thuần phong mỹ tục cũng như phù hợp với lợi ích của con; hai là, người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Điển hình như trường hợp của chị K và anh P, người cha là anh P vẫn có quyền trực tiếp nuôi con mặc dù con chung dưới 36 tháng tuổi.
Thứ hai, nguyên tắc “đảm bảo quyền lợi mọi mặt của con” luôn được ưu tiên hàng đầu khi xác định ai là người có quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
Mặc dù tuổi của con là một khía cạnh quan trọng trong việc xác định quyền trực tiếp nuôi con nhưng “đảm bảo quyền lợi mọi mặt của trẻ” mới là yếu tố quyết định. Trong vụ án này, có hai căn cứ chính mà Tòa án đã cân nhắc, đó là:
- Người mẹ tự ý bỏ đi từ khi con còn rất nhỏ, không quan tâm đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Người con được người cha nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt và đã quen với điều kiện, môi trường sống đó.
Từ đó, Tòa án nhận định: “nếu giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu.” và “giao cháu T cho chị K nuôi dưỡng là không phù hợp, chưa xem xét đầy đủ đến quyền và lợi ích hợp pháp về mọi mặt của cháu T” và quyết định quyền trực tiếp nuôi dưỡng cuối cùng thuộc về người cha, dù đứa trẻ chưa đủ 36 tháng tuổi. Đây là minh chứng rõ ràng cho nguyên tắc “đảm bảo quyền lợi mọi mặt của trẻ” luôn là yếu tố tiên quyết trong các vụ tranh chấp nuôi con sau ly hôn.
Cuối cùng, cha mẹ nên cung cấp thêm chứng cứ chứng minh để tăng tính thuyết phục trong quá trình lập luận về điều kiện nuôi con của mình. Trong vụ án này, lời khai của Ban tự quản thôn và Chi hội phụ nữ thôn rằng: “Anh Nguyễn Hữu P nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Nguyễn Đắc T rất tốt. Anh P có việc làm tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ N, thu nhập ổn định, hoàn toàn đủ điều kiện để nuôi cháu T” chính là một trong những bằng chứng thuyết phục để Tòa án quyết định giao quyền trực tiếp nuôi con cho anh P.
5. Các câu hỏi thường gặp về quyền nuôi con khi ly hôn
5.1. Điều kiện để giành quyền nuôi con khi ly hôn là gì?
Chị Trần Thanh T hỏi: Tôi kết hôn với anh Nguyễn Văn H năm 2017 và hiện đã có hai cháu gái; cháu lớn 04 tuổi và cháu nhỏ 02 tuổi. Trong quá trình chung sống, chồng tôi thường xuyên uống rượu say và đánh đập vợ con. Nhận thấy không thể chung sống với nhau được nữa, chúng tôi có làm đơn ly hôn. Tuy nhiên, giữa tôi và chồng không thể thỏa thuận được với nhau về quyền nuôi con. Vậy mong luật sư giúp đỡ, tôi cần phải có những điều kiện gì để giành được quyền nuôi hai đứa con của mình?
Xem câu trả lời chi tiết: https://phong-partners.com/hoi-dap/hon-nhan-gia-dinh/dieu-kien-gianh-quyen-nuoi-con-khi-ly-hon-1278.html
5.2. Cha có quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi ly hôn không?
Anh Bản, ở H.Hoà Vang (TP Đà Nẵng), hỏi: Vợ chồng tôi kết hôn năm 2023 và có một con trai sinh tháng 11/2023. Khi con được 5 tháng tuổi, vợ tôi bỏ đi, để con lại cho tôi nuôi dưỡng và từ đó không hề thăm nom hay hỗ trợ nuôi con. Nay vợ tôi trở về, yêu cầu ly hôn và đòi mang con đi, viện dẫn quy định rằng con dưới 36 tháng tuổi sẽ do mẹ trực tiếp nuôi. Tuy nhiên, con là nguồn động viên lớn nhất của tôi và tôi muốn tiếp tục chăm sóc con. Xin hỏi, trong trường hợp này, tôi có quyền nuôi con không? Tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Xem câu trả lời chi tiết: https://luatsulyhon.info/cha-co-quyen-nuoi-con-duoi-36-thang-tuoi-khi-ly-hon-khong
5.3. Chồng ngoại tình, có bị tước quyền nuôi con không?
Cuộc hôn nhân của chúng tôi có nhiều mâu thuẫn, đỉnh điểm là tháng 3/2024, tôi phát hiện chồng ngoại tình, khiến tình trạng ngày càng trầm trọng. Nay tôi muốn đơn phương ly hôn và giành quyền nuôi hai con (sinh năm 2017 và 2022) mà không yêu cầu cấp dưỡng. Xin hỏi, việc chồng ngoại tình có ảnh hưởng đến quyền nuôi con không? Tôi cần làm gì để được trực tiếp nuôi dưỡng hai con?
Xem câu trả lời chi tiết: https://luatsulyhon.info/chong-ngoai-tinh-co-bi-tuoc-quyen-nuoi-con-khong
Bài Viết Nhiều Người Xem
Tin tức liên quan
BẢN ÁN SỐ 23/2021/HNGĐ-PT: TRANH CHẤP NUÔI CON VÀ PHÂN CHIA TÀI SẢN LÀ TIỀN BẢO HIỂM NHÂN THỌ KHI LY HÔN
Bản án số 23/2021/HNGĐ-PT của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang là một trường hợp điển hình về tranh chấp sau ly hôn, khi hai bên không chỉ bất đồng về quyền nuôi con mà còn tranh cãi gay gắt về số tiền bảo hiểm nhân thọ do một bên được chi trả vì lý do sức khỏe. Vụ án không chỉ làm rõ nguyên tắc xác định tài sản chung – tài sản riêng trong hôn nhân mà còn đặt ra bài học pháp lý quan trọng về quyền lợi của con cái và yếu tố nhân đạo trong xét xử.